Thân – Tâm – Trí là 3 yếu tố cấu thành nên con người, chúng tuy riêng biệt nhưng lại hợp nhất tạo nên một bản thể của mỗi cá nhân. Cân bằng Thân – Tâm – Trí giúp chúng ta duy trì sự hài hòa, cân xứng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, giúp cho thân thể khỏe mạnh, tâm thần tích cực lạc quan và trí tuệ minh mẫn.
Contents
I. Thế nào là sức khỏe Thân – Tâm – Trí: Ba thể trường tồn của con người
Mỗi người đều có những hoàn cảnh sống riêng biệt và độc đáo. Mức độ bình an và hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, mà còn phụ thuộc vào cách chăm sóc toàn diện Thân – Tâm – Trí. Để đạt được điều này, mỗi người cần phải nỗ lực không ngừng trong việc phát triển và thống nhất ba yếu tố Thân – Tâm – Trí, qua đó tạo nên một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa.
Trong thời đại hiện nay, khi cuộc sống ngày càng trở nên phức tạp và áp lực, việc duy trì sự thống nhất giữa Thân – Tâm – Trí là một thách thức lớn. Tuy nhiên, chính trong những thử thách này, con người có cơ hội để tự khám phá và phát triển bản thân mình, từ đó tìm ra con đường riêng để vươn tới hạnh phúc và bình yên.
1. Sức khỏe “Thân” – Sức khỏe thể chất
- Thân – Thể chất: Bao gồm thân thể, cơ thể vật lý và hành động của một con người (bao gồm lời nói, việc làm và sống).
- Sức khỏe thể chất là trạng thái hoạt động thoải mái một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội. Điều này bao gồm sức mạnh và năng lượng của cơ thể, tính linh hoạt, khả năng chống lại các yếu tố gây bệnh, cũng như sự khả năng thích ứng với môi trường khắc nghiệt và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
2. Sức khỏe “Tâm” – Sức khỏe tinh thần
- Tâm – Tinh thần: Bao gồm suy nghĩ, cảm xúc và ý thức của mỗi cá nhân
- Sức khỏe tinh thần là thứ mà chúng ta cảm nhận bên trong não bộ và tâm trí của chính mình. Là trạng thái khỏe mạnh trong đó mỗi cá nhân nhận biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với sự căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và có sự đóng góp cho cộng đồng.
3. Sức Khỏe “Trí” – Trí lực
- Trí – Trí tuệ: là suy nghĩ, mức độ nhận biết, thấu hiểu của con người về sự vật, sự việc đang diễn ra.
- Trí lực – năng lực của trí tuệ diễn ra độc lập trong bộ óc của mỗi con người. Bao gồm các khía cạnh: năng lực tư duy và sử dụng ngôn ngữ; khả năng suy đoán và tưởng tượng; các kỹ năng phân tích – tổng hợp, so sánh và trừu tượng hóa.
II. Vì sao phải chăm sóc sức khỏe toàn diện Thân – tâm – trí?
Thân – Tâm – Trí là 3 yếu tố hình thành nên cuộc sống của chúng ta. Không chăm sóc tốt cho 1 trong 3 yếu tố đó đều khiến cuộc sống sinh ra đau khổ, muộn phiền, mất hết ý nghĩa cuộc sống. Thân thể của bạn nếu đang đau ốm thì tâm và trí cũng không thể ổn được, vậy muốn thân an thì việc đầu tiên phải chú ý vấn đề sức khỏe cho nó.
Cũng như vậy nếu tâm không yên, dằn vặt, thấp thỏm thì trí và thân của bạn cũng không khỏe mạnh, minh mẫn được. Hay như Trí chưa đủ trưởng thành thì dễ khiến thân buông thả và Tâm đi hướng lệch lạc. Bởi thế, nếu không chăm sóc sức khỏe toàn diện đủ 3 yếu tố trên dễ dẫn đến va vấp, thất bại trên đường đời, luôn sống trong tình trạng căng thẳng và dần mất đi tình yêu cuộc sống.
III. Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe toàn diện Thân – Tâm – Trí.
Để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thân tâm trí trước tiên cần phải học cách “Tu Thân”, ‘Tu Tâm” và “Tu Trí”.
- Tu thân:
Thân thể chúng ta khổ quá chịu không nổi, dễ kiệt quệ và mất sức sống. Mà sướng quá cũng không xong, vì cơ thể dễ sinh ra buông thả, phóng đãng, sa đà vào lối sống tệ nạn.Cái gì cũng cần phải đi từ dễ đến khó, từ khổ đến cực khổ, từ sướng đến sướng cùng cực. Trong giai đoạn này, bạn tập trung rèn luyện sức chịu đựng và tính thích nghi dần dần. Từ đó mà ngưỡng chịu đựng sẽ được trải rộng, thân thể bạn vẫn bình an. Lúc đó bạn sẽ hoàn toàn làm chủ được thân.
- Tu Trí:
Muốn tu trí thì chúng ta cần phải học các loại thiện tri thức để xây dựng cho mình một tầm nhìn tích cực và mở rộng. Hãy luôn đặt mình vào trong trạng thái học hỏi, bạn sẽ học được những điều mới mẻ và nâng cao nhận thức. Khi đã tiếp thu kiến thức, hãy áp dụng vào thực tế để tăng cường hứng thú và sáng tạo. Hãy nghĩ rộng lớn hơn, đặt những mục tiêu lớn lao hơn để phá bỏ giới hạn tư duy. Đọc sách và học tập mỗi ngày là phương pháp rèn luyện, tu trí bền vững và tốt nhất.
- Tu Tâm:
“Vua Cafe” Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói: “Luyện thân là dễ số 1, luyện trí là dễ số 2, nhưng luyện tâm là cái khó nhất!”. Quả vậy, để luyện tâm cho tốt thì bạn phải tránh việc phóng tâm đi quá xa so với thực tại của bạn. Tức là luôn sống thức tỉnh, sống trọn vẹn giây phút hiện tại, không nghĩ đến tương lai cũng chẳng lưu luyến quá khứ. Chỉ trong trường hợp cần thiết muốn tìm kiếm kinh nghiệm, thông tin ta mới phóng tâm đi tìm. Xong ta lại thu tâm trở về thực tại ngay. Nếu làm được như vậy là tâm luôn an.
Tiếp đến là học cách cân bằng Thân – Tâm – Trí
Bản thân con người như một chiếc bánh xe gồm có nhiều nan hoa. Mỗi nan hoa lại tượng trưng cho mối quan hệ, niềm vui, sức khỏe, tâm linh, sự nghiệp, học vấn, xã hội, tài chính,…Nó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố mà điều gì quá thừa hay quá thiếu cũng đều không tốt. Điều này có nghĩa là 3 thể Thân – tâm – trí của con người cần cân bằng và phát triển tương đương nhau.
Đa số chúng ta thường tập trung chăm sóc phần “thân”, mà quên đi “tâm” và “trí”. Hãy tập trung tu dưỡng cả Thân – tâm – trí cùng một lúc, kiên trì luyện tập mỗi ngày. Thẳng thắn nhìn và đối diện với những gì đang xảy ra trong tâm trí. Học cách “quét cơ thể” để cảm nhận những thay đổi trong cơ thể. Tiếp đến bạn hãy gọi tên được những vấn đề đang gặp phải, hít thở một hơi thật sâu, sau đó tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề.
Chăm sóc toàn diện Thân Tâm Trí bao gồm việc Tu thân, Tu Trí, Tu Tâm và học cách cân bằng 3 yếu tố này. Để đạt được điều đó nhất thiết phải thông qua tu dưỡng và rèn luyện mỗi ngày. Khi ba thể này được nâng cao, bạn sẽ trở thành một người trí tuệ, yêu thương, quyết đoán và làm chủ cuộc đời mình.